
Kiến trúc Tử Cấm Thành, Bắc Kinh
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là một công trình kì lạ và nổi tiếng không chỉ ở Trung quốc mà khắp thế giới. Tử Cấm Thành là nơi cai trị của hai triều đại vua Trung Hoa: Minh và Thanh, là nơi cất giữ biết bao bí ẩn mà sách lịch sử không thể nào viết hết được. Chính vì nét bí ẩn đó mà ngày nay, Tử Cấm Thành trở thành điểm du lịch vô cùng hấp dẫn khách du lịch.
Bao quanh Tử Cấm Thành là sông Hộ Thành, rộng 50m, dài 3000m tạo nên hệ thống phòng thủ kiên cố cuối cùng. Với bốn vọng lầu ở bốn góc được coi là công trình quân sự và văn hóa có giá trị thẩm mỹ và tâm lí rất cao. Một cảnh quan uy nghiêm và trầm mặc và cực kì thơ mộng. Một vòng du ngoạn Cố Cung sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát về tầm vóc của nơi đây.
Bốn mặt của Tử Cấm Thành có 4 cửa ra vào. Cửa chính Ngọ Môn ở phía Nam, cửa Bắc là Thần Giữ môn, hai bên là Đông Hoa môn và Tây Hoa Môn. Cửa đón khách là Ngọ Môn, tiễn khách là Thần Giữ Môn. Ngọ Môn nằm ở phía sau Thiên An Môn và Đoan Môn. Thiên An Môn là cửa chính của hoàng thành còn Ngọ Môn là cửa chính của Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành nằm gọn trong lòng Hoàng thành. Bức tường thành dài mấy chục cây số xưa đã bị dỡ bỏ để cải tạo trung tâm thành phố Bắc Kinh. Vì bức tường thành Cố cung xưa vốn là màu tím nên được đặt tên là Tử Cấm Thành tức tòa thành màu tím.

Đằng sau Ngọ Môn là cả một thế giới, nơi người thường ngày xưa không thể đặt chân đến được. Tử Cấm Thành là nơi trị vì của 24 vị Hoàng đế Trung Hoa, thuộc hai triều đại cuối cùng của đế chế trong suốt 5 thế kỉ, từ 1424 đến 1911. Nhà Minh có hai vị vua là Thái Tổ và Huệ đế, đóng đô ở Nam kinh. Thái Tổ cho xây Tử Cấm Thành ở Nam Kinh nhưng sau đó bị cháy rụi. Thành Tổ cướp ngôi của Huệ Đế, sau đó rời đô về Bắc Kinh và cho xây lại Tử Cấm Thành theo đúng nguyên mẫu và kích thước trong suốt 14 năm từ 1406 – 1420.
Tử Cấm Thành có hình dạng chữ nhật bao gồm 800 tòa cung điện, lầu các với 9999 gian phòng được bố trí ngay ngắn, trật tự trên diện tích 720.000m2. Chính giữa là 2 cụm lâu đài quan trọng nhất: Ngoại triều tâm điện ở phía trước, gồm: Thái Hòa điện, Trung Hòa điện và Bảo hòa điện. Nội đình Tam cung có Càn Thanh cung, Giao thái điện và Khôn ninh cung.
Thái Hòa môn là cửa lớn của Ngoại triều Tam điện cũng như Càng thanh Môn là cửa lớn của Nội đình Tam cung. Hệ thống bậc thềm, tường thành, cột đá, cầu… đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự được chế tác rất tỉ mỉ tạo nên một quần thể các công trình kiến trúc không có mái che, độc đáo và kiêu hãnh. Chúng đã gồng mình với thời gian, mưa gió tồn tại suốt 5 thế kỉ để chứng kiến biết bao biến động của Hoàng triều và vận mệnh dân tộc. Ngoài ra còn có những khối đá lớn đứng cạnh những chú sư tử và những chú rùa đá khổng lồ, chú hạc thanh cao.
Điện Thái Hòa lợp ngói lưu li màu vàng, gồm 11 gian, là khu vực lớn nhất và quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, có diện tích 2377m2. Sân tiền điện là một quảng trường rộng lớn và bề thế. Những con rồng vàng chạm trổ trên những cánh cửa ngoài giá trị trang trí còn thể hiện quyền lực của đế vương. Chính giữa Điện ngai vàng của Hoàng đế. Trong các cung điện, đền chùa, miếu mạo Trung Hoa luôn có hai con sư tử dũng mãnh canh cửa, vừa để trang trí vừa là Thần Môn để ngăn ma tà thâm nhập. Cả 24 vị Hoàng đế đều đăng quang ở Điện Thái Hòa. Đây cũng chính là nơi tổ chức lễ cưới, nguyên tiêu, sắc phong Hoàng hậu hay lễ xuất chinh…

Sau Điện Thái Hòa là điện Trung Hòa, có 5 gian. Có thể coi đây là khu vực hậu trường chuẩn bị mọi thứ sẽ được tiến hành ở điện Thái Hòa. Bảo Hòa điện nằm ở phía Bắc Trung Hòa Điện. Vào Thời Minh, trước khi tổ chức các nghi lễ sắc phong Hoàng Hậu, Thái tử, Hoàng đế thường đến đây trước để mặc lễ phục. Hoàng đế Nhà Thanh thường tổ chức Yến hội tại đây. Bảo Hòa có 9 gian, là nơi vua khảo tra lần cuối các thí sinh đỗ Tiến sĩ.
Trong Nội đình Tam Cung, sau Càn Thanh Môn là Càn Thanh Cung – nơi giải quyết việc chính trị, phê duyệt tấu trương, tuyển quan lại… của vua. Tấm hoành phi do vua Ung Chính treo ở giữa điện: Chính Đại Quang Minh để răn đe con cháu không được làm điều bất chính, tranh giành ngôi báu của nhau. Rút kinh nghiệm các đời vua trước, Ung Chính không công bố người lối ngôi mà viết ra làm hai nửa mảnh. Một mảnh vua giữ, một mảnh treo trên bức hoành phi. Khi vua băng hà, thì lấy hai nửa ghép lại với ra, sẽ ra tên của người kế vị.
Giao Thái điện là nơi tổ chức các nghi lễ như sắc phong Hoàng Hậu, tết nguyên đán, ngày đông chí… Giao Thái Điện được thiết kế theo sự hòa hợp của vua và Hoàng hậu, là nơi cất giữ 25 bảo ấn mà Càn Long đã sưu tầm được và nơi Hoàng hậu tiếp đón Hoàng thân quốc thích.
Khôn Ninh Cung là nơi ở của Hoàng Hậu. Các thời vua Khang Hi, Đồng Trị, Quang Tự.. đều cử hành hôn lễ tại đây.

Khu vực sau cùng của Tử Cấm Thành là Ngự hoa viên là vườn Thượng Uyển rộng 11.000m2. Đây là nơi tập hợp của các bảo vật và các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bằng đồng và đá quý. Trong toàn bộ Tử Cấm Thành, đây là nơi duy nhất có trồng cây, là các loại thảo mộc quý hiếm. Việc trồng cây trong cung là rất hạn chế nguyên nhân bởi cây cối là khu vực mà thích khách dễ ẩn nấp nhất.
Trong vườn có trên 20 tòa kiến trúc rộng lớn, gồm các cung điện, lầu các, đền đài được sắp xếp theo cặp: chính-phụ, phải-trái, đối xứng, lấy Khâm An Điện làm trung tâm. Cây cổ thụ trong vườn là cây lấy từ Phương Bắc, trồng xen các loại hoa từ phương Nam gửi về. Đây có lẽ là khu vực nhẹ nhàng, thư thái nhất, khác hẳn với uy nghiêm của những công trình phía trước.
Nổi tiếng nhất là cụm 72 phi tần tam cung lục viện, nơi sinh sống của các hoàng hậu, phi tần, hoàng tử, hoàng tôn và hàng nghìn các cung nữ được chia làm 8 cấp. Cuối đời Minh, có tới 9000 cung nữ, phần lớn họ sống cô đơn suốt đời trong hoàng cung.
Bạn sẽ không cần phải mất tới 30 năm để ngủ trong 9999 gian ở Tử Cấm Thành, mà chỉ cần một ngày cùng một người am hiểu về Tử Cấm Thành để được tìm hiểu về kiến trúc – lịch sử cũng như những câu chuyện “thâm cung bí sử” trong Cố cung này là ổn rồi!
Một số bài viết liên quan đến Tử Cấm Thành và du lịch Trung Quốc:
- Bắc Kinh Trung Quốc 4N3Đ
- Móng Cái – Đông Hưng 1N NEW
- Móng Cái – Đông Hưng – Vạn Mỹ 2N1Đ NEW
- Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang Trung Quốc 6N5Đ HOT
- Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới 5N4Đ
- Bắc Kinh – Thượng Hải – Hàng Châu – Tô Châu 7N6Đ
- Nam Ninh – Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới 6N5Đ HOT
- Bằng Tường – Quảng Châu – Thẩm Quyến – Nam Ninh 5N4Đ